10 NGỘ NHẬN THƯỜNG GẶP VỀ GIẤC NGỦ

Đăng bởi ĐỖ THỊ KIM OANH
Thứ Sun,
27/05/2018

Có nhiều quan niệm về giấc ngủ "tưởng sai mà đúng, tưởng đúng mà sai" đã và đang phổ biến. Mời bạn cùng nhận diện 10 ngộ nhận thường gặp sau đây do tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ National Sleep Foundation (Mỹ) tổng hợp.

1. Ngáy là hiện tượng phổ biến nhưng vô hại

Có rất nhiều người "kéo gỗ” khi ngủ và đa số tình trạng "ồn ào” này rơi vào cánh đàn ông. Mặc dù hầu hết trường hợp ngủ ngáy là vô hại nhưng đó có thể là biểu hiện của một số chứng rối loạn giấc ngủ, điển hình như chứng ngưng thở tạm thời khi ngủ (sleep apnea), đặc biệt khi các quý ông ngáy ngay cả lúc chợp mắt vào ban ngày. Chứng ngưng thở gây ra do sự ngắt quãng đường thở khi không khí hít vào và thở ra không lưu thông tốt. Những người có triệu chứng này thường xuyên thức dậy trong đêm và thở hổn hển. Việc hệ hô hấp không hoạt động tốt làm giảm nồng độ oxy trong máu, có thể làm căng thẳng và tăng nguy cơ mắc bệnh cho tim và hệ tim mạch. Ngủ ngáy thường xuyên còn liên quan trực tiếp đến chứng tăng huyết áp. Chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở người thừa cân, béo phì và người có cổ lớn, tuy nhiên có thể điều trị được nên nếu bạn rơi vào trường hợp trên, hãy đến bác sĩ để kiểm tra và khắc phục. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng gối có chức năng chống ngáy như gối contour để hỗ trợ khắc phục chứng ngáy khi ngủ. 

2. Bạn có thể ngủ ít và sẽ quen với việc này 

Nhiều chuyên gia về giấc ngủ nói rằng người lớn cần khoảng 7 đến 9 giờ để ngủ mỗi đêm mới có thể duy trì hiệu suất hoạt động và sức khỏe tốt. Khi không ngủ đủ giấc, cơ thể thường có xu hướng "ghi nợ sự thiếu thốn” này và sẽ rất khó "trả nợ” khi việc thiếu ngủ lặp lại quá thường xuyên. Hệ quả là, thiếu ngủ sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh béo phì, cao huyết áp, tâm trạng tiêu cực, căng thẳng, giảm hiệu suất làm việc và cả vấn đề an toàn khi bạn đang làm việc hoặc di chuyển trên đường. 

3. Có nhiều cách để giúp tỉnh táo khi lái xe 

Nhiều người thường bật radio thật lớn, mở cửa sổ hay máy lạnh hết cỡ để tỉnh táo hơn khi lái xe. Tuy nhiên, một khi bạn đã mệt mỏi vì thiếu ngủ, cơn buồn ngủ xâm chiếm thì sẽ không còn gì cưỡng nổi và giấc ngủ sẽ chiến thắng. Thế nên, hãy vì sự an toàn của mình và người xung quanh, tuyệt đối không lái xe trong tình trạng thiếu ngủ và thiếu tỉnh táo bạn nhé. Cách để chống buồn ngủ khi lái xe chính là hãy ngủ đủ giấc và thức dậy thật khỏe khoắn trước đó 

4. Các teen hay ngủ gật trong lớp rất lười 

Theo các chuyên gia về giấc ngủ, người ở độ tuổi teen có nhu cầu ngủ cao hơn người trưởng thành, cụ thể cần 8 đến 10 giờ để ngủ mỗi đêm. Và điều đặc biệt nữa là đồng hồ sinh học ở lứa tuổi teen thường hoạt động theo chu trình: "Thức khuya, dậy muộn”. Nếu giờ học bắt đầu từ sáng sớm, việc một vài bạn tuổi teen không thích ứng được và ngủ gật trong lớp là điều rất bình thường. 

5. Mất ngủ chỉ là do khó ngủ 

Điều này đúng nhưng chưa đầy đủ. Vì khó ngủ là một trong 4 triệu chứng liên quan mật thiết đến mất ngủ. Những triệu chứng khác bao gồm: thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại, thức giấc thường xuyên trong đêm, mệt mỏi khi thức dậy. Mất ngủ có thể là vấn đề của rối loạn giấc ngủ hoặc vấn đề về tâm lý, tâm thần và cần được điều trị càng sớm càng tốt. 

6. Buồn ngủ vào ban ngày là do thiếu ngủ 

Nhiều người luôn cảm thấy buồn ngủ quá mức bình thường vào ban ngày và chỉ thấy khỏe khoắn hơn khi được chợp mắt. Nếu điều này xảy ra ngay cả khi bạn đã ngủ đủ giấc vào ban đêm thì rất có thể là dấu hiệu của một rối loạn giấc ngủ như: Cơn ngủ bộc phát (narcolepsy) hay chứng ngưng thở khi ngủ. Những triệu chứng này có thể điều trị nên nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và phải ngủ li bì vào ban ngày, hãy đến bác sĩ để được chẩn đoán. 

7. Chất lượng giấc ngủ không liên quan đến bệnh tật 

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan mật thiết giữa chất lượng và thời lượng giấc ngủ đối với các vấn đề về sức khỏe. Điển hình như thiếu ngủ ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng và liên quan đến vấn đề béo phì. Số lượng hormone tăng trưởng càng giảm, nguy cơ tăng cân càng cao. Hay việc huyết áp được điều chỉnh để giảm trong chu kỳ giấc ngủ, nhưng những giấc ngủ bị gián đoạn lại can thiệp vào quá trình này, có khả năng khiến huyết áp tăng lên và ảnh hưởng đến vấn đề tim mạch. Nghiên cứu cũng chỉ rõ thiếu ngủ làm suy yếu khả năng sử dụng insulin của cơ thể, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh được mối tương quan giữa việc mất ngủ, ngủ không ngon, thiếu ngủ với nhiều bệnh tật. 

8. Người lớn tuổi không cần ngủ nhiều 

Càng về già, chúng ta càng khó ngủ nhưng không vì vậy mà nhu cầu về thời lượng lẫn chất lượng giấc ngủ ít đi. Người lớn tuổi vẫn cần ngủ 7 đến 9h mỗi ngày và các chuyên gia khuyên rằng nếu khó ngủ vào ban đêm, hãy lên kế hoạch ngủ thêm vào ban ngày để cân bằng lại và bảo đảm sức khỏe. 

9. Khi ngủ, não cũng nghỉ ngơi 

Cơ thể nghỉ ngơi trong suốt thời gian ngủ nhưng não của chúng ta vẫn hoạt động. Lúc này, bộ não được tái tạo năng lượng và vẫn kiểm soát tất cả các chức năng của cơ thể, bao gồm cả việc hô hấp. Khi ngủ, trong chu kỳ 90 phút, chúng ta thường bước vào hai trạng thái là giấc ngủ sâu REM (chuyển động mắt nhanh) và non-REM. Giấc ngủ non-REM có 4 trạng thái với chức năng chuyên biệt. Trạng thái thứ nhất và thứ hai là buồn ngủ lơ mơ rất dễ bị đánh thức; bước sang trạng thái thứ ba và thứ tư là ngủ sâu và khó thức dậy hơn. Khi ngủ sâu là lúc các tác động tích cực như hồi phục, sửa chữa hư tổn, tái tạo tế bào… diễn ra. Tuy nhiên, dù trong suốt quá trình ngủ sâu thì não chúng ta vẫn truyền tải thông tin. Còn giấc ngủ REM là giấc ngủ ở trạng thái sâu nhất khi chúng ta nằm mơ, tầng suất hô hấp và nhịp tim tăng nhẹ, não ít hoạt động nhất, các cơ được thư giãn và con ngươi chuyển động nhẹ qua lại dưới mí mắt. 

10. Đếm cừu luôn là giải pháp hữu hiệu khi khó ngủ 

Thức giấc vào ban đêm và khó ngủ trở lại là dấu hiệu của chứng mất ngủ. Nhiều người khi thức giấc giữa đêm và trở lại giường thường đếm cừu, nằm trăn trở cho đến khi có thể ngủ lại. Nhưng đây không phải là giải pháp hữu hiệu nhất. Nhiều chuyên gia cho rằng những hình ảnh thư giãn hay suy nghĩ về điều gì đó có thể kích thích giấc ngủ đến nhanh hơn là đếm cừu. Dù áp dụng bất cứ phương pháp nào để có thể ngủ trở lại đi nữa thì nếu trong vòng 15-20 phút mà bạn vẫn không ngủ được, hãy nên sang một phòng khác đọc sách, thư giãn nghe nhạc và quay trở lại giường khi buồn ngủ. Lúc này cũng cần tránh xa chiếc đồng hồ bạn nhé. Chọn một chiếc giường nệm thật thoải mái, nâng đỡ cơ thể, bộ drap êm ái, những chiếc gối thật dễ chịu là cách để bạn dễ dàng có được giấc ngủ ngon và thức dậy thật sảng khoái, làm mới cuộc sống mỗi ngày. Chúc các bạn ngủ thật ngon. 

Bình luận:
binh-luan

Hello World! https://tlwsit.com?hs=4cc93631cdbfcc14b2cbd1ffc0aaca6e&

25/11/2022

9aiia3

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: